Đất và người xứ quảng

Về xứ Quảng viếng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng( 28/03/2024)

Tháng 3, tôi về thăm xứ Quảng, tận mắt chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp thơ mộng mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất này như Thiên Ấn Niêm Hà, Thạch Kê Điếu Tẩu, Thạch Bích Tà Dương với vẻ đẹp tự nhiên và thơ mộng ấy đã giữ chân một nhân sỹ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng ở lại nơi này cho đến cuối đời vì sự nghiệp và tình yêu dành cho đất Quảng Ngãi.

Con đường từ chân lên đỉnh núi Ấn, thành phố Quảng Ngãi - nơi ngôi mộ chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng tọa lạc - dài khoảng 2.000m, uốn lượn men theo triền dốc. Càng lên cao, sông nước, đồng ruộng, xóm làng, phố xá... càng trải ra bát ngát mênh mông. Tiếng chuông chùa Thiên Ấn loang theo vệt nắng chiều bảng lảng như sương khói, làm cho không gian núi Ấn sông Trà bình yên đến lạ.

Chùa Thiên Ấn

Vãn cảnh chùa Thiên Ấn, như lạc vào cõi thiền giữa cảnh núi rừng tĩnh mịch, không khí trong lành, không gian yên ắng, khoáng đãng khiến lòng người thư thái, thanh nh như được gọt rửa hết bụi trần. Đỉnh núi Thiên Ấn bằng phẳng, có nhiều loại cây ăn quả, các hàng cây cổ thụ và những con đường len lỏi giữa núi rừng, là nơi bộ hành thưởng cảnh lý tưởng.

Chùa Thiên Ấn

Từ chùa Thiên Ấn nhìn về phía sông Trà Khúc, cả một vùng rộng lớn như thu vào tầm mắt, du khách sẽ cảm được hết tình quê hương, non nước của người Quảng Ngãi trong câu ca dao đã từ lâu đi vào tâm thức con người nơi đây:

Ai về núi Ấn, sông Trà

Có thương cô bậu ghé nhà mà thăm.

Mộ cụ Huỳnh nằm phía tây núi, cách cổng tam quan chùa Thiên Ấn khoảng hơn 100 m, được bao bọc bởi cây cối và hướng mặt ra dòng sông Trà Khúc. Khuôn viên mộ thoáng rộng, nền được lát đá phẳng phiu, bên mộ là hai hàng cây đại tỏa hương ngan ngát quyện cùng trầm nhang.

Ngược dòng lịch sử, cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876 – 1947), tự Giới Sanh, hiệu Mính Viên (hay đôi khi được viết là Minh Viên), là một chí sĩ yêu nước. Cụ là Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1946-1947) và Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (giai đoạn từ 31 tháng 5 đến 21 tháng 10 năm 1946), trước đó từng giữ chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ thời thuộc Pháp. Nổi tiếng với tài năng, đức độ và lòng yêu nước, người dân Việt Nam thường nhắc đến ông với một tên gọi gần gũi: Cụ Huỳnh.

Chân dung cụ Huỳnh Thúc Kháng

Cụ bắt đầu học chữ Nho từ năm 8 tuổi dưới sự dạy dỗ của người cậu ruột là Tế tửu Quốc tử giám Nguyễn Đình Tựu. Năm 13 tuổi đã văn hay chữ tốt. Năm 1900 đậu Giải nguyên kỳ thi Hương năm Canh Tý 1900, được xưng tụng là một trong Thập Ngũ Phụng Tề Phi của đất Quảng Nam xưa. Năm Giáp Thìn 1904 đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân.

Trong những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cụ cùng với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Trần Quý Cáp là những nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân. Vì lý do đó, năm 1908 cụ bị bắt trong năm 1908, rồi bị đày ở Côn Đảo suốt 11 năm mới được trả tự do. Cụ là người sáng lập kiêm chủ nhiệm và chủ bút báo Tiếng Dân vào năm 1927, được xuất bản tại Huế.

Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ ra tham gia Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Năm 1946, khi Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán, Huỳnh Thúc Kháng được cử làm Quyền Chủ tịch nước Việt Nam. Thời gian này cụ còn là Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam. Cuối năm 1946, là Đặc phái viên của Chính phủ vào cơ quan Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ tại Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày 21/4/1947, cụ lâm bệnh nặng và mất tại thôn Phú Bình, xã Hành Minh (Nay là khu phố Phú Bình Đông, Thị trấn Chợ Chùa, Nghĩa Hành, huyện Nghĩa Hành), tỉnh Quảng Ngãi. hưởng thọ 71 tuổi. Làm theo tâm nguyện của cụ, nhân dân đã an táng cụ trên đỉnh núi Thiên Ấn.

Mộ cụ Huỳnh là sự kết hợp hài hòa kiến trúc hiện đại và truyền thống lăng mộ Đông Phương, ngôi mộ vừa có nét đơn giản, vừa có sự trang trọng nghiêm kính, gắn bó hài hòa với tổng thể cảnh quan núi Thiên Ấn.

Mộ cụ Huỳnh nằm trên đỉnh đồi, nơi yên tĩnh, cũng là nơi có vị thế đẹp nhất. Đi trên con đường đất dẫn lối, không khí tịch mịch cho tôi cảm giác bình yên đến lạ, phải chăng, đây chính là điều mà cụ Huỳnh Thúc Kháng - người từng một thời cầm đuốc soi đường cho quốc dân đi - cùng toàn Nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ mơ ước và đấu tranh bền bỉ, không mệt mỏi để có được - nền hòa bình, độc lập dân tộc.

Mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng

Khu mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng được bao bọc bởi rừng cây xanh tốt, hướng ra một khoảng không gian rộng mở, bao quát toàn cảnh thành phố Quảng Ngãi với dòng sông Trà Khúc vắt ngang và những dãy núi trùng điệp phía xa. Trước mộ có bàn thờ liền kề một đài bia cao vút. Mặt trước bia ghi lại đôi nét về thân thế sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng. Mặt sau của bia khắc những lời ngợi ca lòng yêu nước, sự liêm chính và đức hi sinh của nhà cách mạng lỗi lạc.

Bình phong sau mộ có dòng chữ “Sĩ phu cùng dân Quảng Ngãi khẳng khái và kiên quyết, phần đông hy sinh vĩ nước, một mực thẳng tới, không thối lui trước một trở lực nào”, trích từ bài viết trong phong trào chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908 của cụ Huỳnh.

Thắp nén hương tri ân lên người đã khuất, lòng bùi ngùi xúc động trước một nhân cách lớn, nổi tiếng về tài năng, đức độ và lòng yêu nước trong đời sống xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20; một người “cả đời không cần danh vị, không cần lợi lộc, chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.

Xa xa, tiếng chuông chùa vang vọng, tiếng chim ríu rít trong những tán cây xanh, trên bầu trời, một chút nắng trải nhẹ cũng đủ làm lòng người ấm áp. Có lẽ, hạnh phúc là đây, bình yên là đây, nền độc lập, tự do mà bao đồng bào ta đã ngã xuống để đổi lấy chính là những cảnh sắc lúc này.

Để tưởng nhớ đến ông, tại nhiều tỉnh và thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Hạ Long (Quảng Ninh), Quảng Ngãi, Nhơn Trạch, Trảng Bom (Đồng Nai)… có những con đường và ngôi trường THPT mang tên ông.

Ngày 19/2/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định truy tặng Huân chương Sao Vàng để ghi nhận công lao của cụ đối với đất nước./.

Thu Thủy










A PHP Error was encountered

Severity: Notice

Message: Undefined variable: found

Filename: controllers/home.php

Line Number: 75

Lượt truy cập

Đang online : 4

Tổng truy cập : 7,422

Về xứ Quảng viếng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng