Đất và người xứ quảng
Dấu xưa ở Đình Thanh Khiết( 24/06/2022)
Chuyện xưa qua tên gọi
Đình Thanh Khiết gợi nhớ nhiều câu chuyện xưa. Đình tọa lạc ở thôn Thanh Khiết, làng quê bên phía hữu ngạn vùng hạ lưu sông Trà Khúc. Nơi đây chỉ cách biển vài ba cây số, nhưng là vùng thuần nông, người dân không làm nghề biển. Trước đây, làng Thanh Khiết được nhiều người biết đến qua câu ca dao: “Gái Thanh Khiết chuyên nghề cải giá/ Trai Sung Tích chuyên dạ kén dâu”. Cải giá ở đây ý nói rau cải, rau giá, làng này chuyên nghề trồng rau. Về sau, người dân ở làng Thanh Khiết còn trồng nhiều hoa tươi để bán, nên gọi là làng hoa Nghĩa Hà. Còn làng Sung Tích nằm bên kia sông phía đối diện (nay là xã Tịnh Long, TP.Quảng Ngãi), chuyên trồng dâu nuôi tằm, nên mới gọi là kén dâu.
Đình Thanh Khiết ở thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà
Câu ca dao xưa ắt hẳn có từ thời Pháp thuộc, hoặc trước đó một chút, bởi người dân ở Thanh Khiết trước kia chủ yếu làm trồng lúa, trồng mía, sau mới thêm nghề trồng rau. Hơn nữa, vào triều vua Gia Long chưa có làng Thanh Khiết mà có đến hai làng là Thanh Tuyền và Hội Khiết, về sau mới hợp nhất, lấy tên là Thanh Khiết. Sách “Đồng Khánh địa dư chí” (1885 -1888) có ghi thôn Thanh Khiết thuộc tổng Nghĩa Hà, huyện Chương Nghĩa, sau thuộc tổng Nghĩa Hạ. Năm Gia Long thứ 12 (1813), làng Thanh Tuyền bấy giờ dân gian gọi là Soi Giữa, thuộc tổng Nghĩa Hạ, huyện Chương Nghĩa, diện tích 46 mẫu 5 sào, đều là tư điền; làng Hội Khiết diện tích chỉ có 20 mẫu 1 sào, đều là tư thổ (Địa bạ Quảng Ngãi).
Tên gọi của làng Thanh Khiết không nghiêng về sự giàu có, may mắn, tươi đẹp như ở một số nơi có dùng chữ Phú, chữ Phúc, chữ Mỹ, chữ Tú, mà thể hiện sự trong sạch (Thanh là trong, Khiết là sạch) kể cũng là điều đặc biệt.
Lưu giữ kiến trúc cổ xưa
Theo Trưởng thôn Thanh Khiết Nguyễn Hữu Ân, đình Thanh Khiết xưa kia ở gần núi Giàng thuộc thôn Thanh Khiết, có miếu thờ ông Dương Yết, nằm sát bờ vực sông Trà Khúc. Có lẽ do thủy thổ không tốt nên người xưa dời đình đến một vài nơi khác trước khi chuyển đến vị trí hiện tại. Đình Thanh Khiết ở giữa thôn xóm yên bình, rộng rãi, có lẽ để tránh ngập lụt so với khi ở mép sông. Trên cây trính của đình còn ghi niên đại hoàn thành: Bảo Đại năm thứ 14 (1944).
Ông Đinh Văn Tuấn - chủ bái đình Thanh Khiết cho biết, đình xây từ năm 1939 đến năm 1944 mới hoàn thành, chi phí từ đóng góp của người dân và ông Nguyễn Trĩ (Chánh Đước) đứng ra chủ trì. Gỗ dựng đình lấy từ các cây to ở núi Giàng. Đình thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền, ông Dương Yết (ông Dương Yết có miếu thờ riêng ở núi Giàng là miếu Linh Sơn). Tiền hiền của làng là ông Nguyễn Ngôi, tên chữ ghi là Nguyễn Đại Lang. Theo gia phả họ Nguyễn ở thôn Thanh Khiết, ông Nguyễn Ngôi ở xã Thanh Viên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đời Hồng Đức (vua Lê Thánh Tông) thế kỷ XV, ông vào xứ Đồng Giàng và khai lập làng ở đây, tính đến nay đã trên dưới 20 đời. Mộ ông Nguyễn Ngôi ở núi Giàng trải mấy thế kỷ vẫn là ngôi mộ đất; được dòng họ xây cất, dựng bia năm 2007.
Đình làng Thanh Khiết nhìn về hướng nam, được xây theo trục đạo: Cổng, bình phong, đình tiền và hậu cung. Đình xây dựng thời Pháp thuộc nên có sự phối hợp kiến trúc cũ với vật liệu mới. Kiến trúc cũ là nhà dựng theo kiểu nhà rường với các lớp xuyên trính gỗ chồng lên nhau. Gian tiền đường dành cho dân làng tụ hội về tế lễ. Gian hậu cung có ba án thờ, ở giữa đặt các bài vị các thần hoàng, hai bên có tả ban và hữu ban. Trên mặt chính của đình khắc ba chữ Thanh Khiết đình, bằng Hán tự.
Trải qua thời gian, đình Thanh Khiết bị xuống cấp, người dân trong làng góp tiền tu sửa trong các năm 1973, 2003, 2021, nhưng vẫn giữ được dáng nét kiến trúc xưa. Mái đình xưa lợp bằng ngói âm dương, lần trùng tu năm 1973 thay ngói bảng ở gian tiền đường, gian hậu cung vẫn nguyên ngói cũ. Các câu đối chữ Hán có câu bằng xà cừ trên gỗ, có câu viết bằng sơn trực tiếp trên các cột đình. Ngôi đình tuy nhỏ nhưng chứa đựng nét gần gũi, mang đậm dấu ấn văn hóa của làng quê Việt Nam. Ngày tế lễ của đình Thanh Khiết là ngày 16 tháng Giêng hằng năm, rất đông người dân trong làng về dự tế đình.
Nguồn: Báo Quảng Ngãi điện tử