Chính trị - Xã hội

Lễ cầu ngư xã Nghĩa An( 20/02/2024)

Sáng ngày 19/02, nhằm mùng 10 tháng giêng năm Giáp Thìn, các làng chài xã biển Nghĩa An thành phố Quảng Ngãi tổ chức lễ hội cầu ngư, đây là hoạt động văn hóa mang đậm nét dân gian của cư dân vùng ven biển. Dự lễ có ông Ngô Văn Trọng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi.

Khởi đầu buổi lễ là nghi thức rước thần Nam Hải từ các dinh miếu trên địa bàn xã về dinh thờ cúng cửa lạch thôn Phổ Trường để thực hiện nghi thức cúng thần. Nghi thức được thực hiện rất tôn nghiêm, tôn kính để tạ ơn thần Nam Hải đã có ơn cứu độ ngư dân khi gặp hoạn nạn trên biển. Vì thế mà lễ hội cầu ngư hằng năm ở xã Nghĩa An mở đầu cho một mùa biển mới và cũng là lễ hội lớn nhất trong năm. Lễ hội cầu ngư, mang đậm nét văn hóa của cư dân làng chài ven biển mỗi khi Tết đến, Xuân về nghi lễ dân gian ý nghĩa, đầy màu sắc, thể hiện niềm tin và lòng tôn kính của những người lao động nghề biển với Ông Nam Hải tại xã biển Nghĩa An. Ông Đỗ Hồng Phước - thôn Phổ An cho biết "Cúng cầu ngư ở xã Nghĩa An đã có từ lâu, bà con quan tâm lễ này, cầu mưa thuận gió hòa, hàng năm ngư dân tổ chức lễ này vào ngày này".

Lễ hội cầu ngư bắt nguồn từ tục thờ Ông Nam Hải, là tập tục lâu đời của cư dân vùng biển xã Nghĩa An. Ngư dân vùng biển Nghãi An quen gọi ông Nam Hải Đại tướng quân, thực ra là loài cá Voi, loài cá có thân hình to lớn, nhưng bản tính lại hiền hoà, thường cứu giúp những ngư dân mỗi khi gặp nạn trên biển được ngư dân gọi cá Ông. Khi cá Ông chết, trôi dạt vào bờ của làng biển, thì ngư dân nơi đó phải tổ chức lễ tang long trọng và lập lăng thờ phụng và cúng tế rất nghiêm cẩn.

Lễ rước thần Nam Hải Đại tướng quân từ Lăng ông Nam Hải

Trong dòng chảy lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng cá ông được củng cố bởi vương triều nhà Nguyễn. Liên tiếp trong nhiều thế kỷ, các triều đại vua khác nhau đã ban sắc phong cho thần Nam Hải, chính thức công nhận tục thờ cúng cá ông tại các làng quê dọc ven biển miền Trung. Lăng ông luôn được làng chài thờ cúng quanh năm và đặc biệt vào mùa xuân hay mùa thu hằng năm, lễ hội cúng cá ông theo nghi lễ truyền thống, rất trang trọng. Lễ hội cầu ngư hàng năm đã trở thành lễ hội truyền thống của bà con ngư dân. Lễ hội được diễn ra trong ba ngày.

Ngày đầu tiên là lễ rước thần từ Lăng ông Nam Hải Đại tướng quân ở thôn Phổ An, mời các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã, dinh bà ở thôn Phổ Trung, Miếu bà Ngũ Hành (hay gọi là miếu cây đa) ở thôn Phổ An, Chùa âm hồn (còn gọi là chùa Thanh Minh) ở thôn Phổ Trường về dinh thờ cúng Cửa Lạch thôn Phổ Trường.

Tiếp đó là lễ tế chính thức. Trong ngày lễ, bàn thờ được trang hoàng hết sức rực rỡ, trang nghiêm. Làng chọn ra một ban nghi lễ gồm các cụ cao niên, hiền đức, có uy tín với bạn chài và không bị mắc tang chế. Vị chánh bái dâng đồ tế lễ (không được dùng hải sản) và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với công đức Cá Ông và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn. Rạng sáng ngày hôm sau, dân làng đánh trống làm lễ rước trên biển. Đó là lễ Cá Ông chứng giám lòng thành của ngư dân ngoài biển.

Rước Thần Nam Hải từ dinh Bà

Vào nửa đêm hôm đó, dân làng làm lễ chánh tế bao gồm lễ khai mõ. Tất cả mọi người đều phấn chấn và cầu mong ngày lễ được mở ra, tư tưởng của mỗi người dân sản xuất trên biển đều cảm thấy yên tâm hơn, tinh thần ổn định hơn để cầu mong một mùa thắng lợi. Vì vậy, tham gia lễ hội cầu ngư ngoài cầu mong sẽ có một năm mưa thuận gió hoà, đánh bắt bội thu, bà con ngư dân vùng biển còn cầu mong cho mỗi chuyến ra khơi được an toàn, mạnh khoẻ, chắc tay chèo tay lái, đặc biệt là đánh bắt được nhiều tôm, cá.

Đây cũng là nghi thức cầu mong thần Nam Hải phù hộ độ trì cho bà con ngư dân một năm mưa thuận, gió hòa, làm ăn phát tài, phát lộc. Ngư dân dong thuyền vương khơi đánh bắt thủy sản thuận buồm suôi gió, tôm cá đầy khoan. Ông Lê Quang Thanh – chủ bái cho biết "Mục đích cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu cho nhân dân ấm no hạnh phúc, thế hệ trẻ kế thừa và phát huy, duy trì lễ hội này mang tính chất truyền thống."

Xã Nghĩa An, hầu hết dân cư sinh sống ven biển với nghề  truyền thống đánh bắt và chế biến hải sản. Cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây gắn liền với những phong tục tập quán, lễ hội truyền từ lâu đời, mang đậm đặc trưng vùng miền. Trong đó, độc đáo là Lễ hội Cầu ngư. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của xã, lễ hội cầu ngư được tổ chức thường niên sau Tết Nguyên Đán, thu hút đông đảo nhân dân tham dự. Trong nghi lễ, Chủ tế sẽ thực hiện các nghi lễ cúng cá ông; tư văn đọc văn tế ca ngợi công đức cứu giúp dân chài thoát nạn trên biển.

Bí thư Thành ủy Ngô Văn Trọng tham dự Lễ rước Thần Nam Hải tại Dinh thờ ở Cửa lạch, thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An 

Trong đời sống tâm linh của ngư dân vùng biển, cá ông quan trọng như một vị thần  phù hộ, đem lại mưa thuận gió hòa, được mùa chài lưới, tôm cá đầy khoan, vì vậy sau nghi lễ cúng thần Nam Hải, là hoạt động hát bả trạo, đây là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian đã trở thành nghi thức tâm linh, gắn với lễ hội cầu ngư của ngư dân vùng biển Nghĩa An. Lễ cầu ngư làng chài ven biển xã Nghĩa An là dịp để bà con ngư dân gặp gỡ nhau sau một năm làm ăn. Ông Phạm Minh Tuấn– Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa cho biết: "Đây là lễ hội truyền thống, mang tính dân gian của bà con, địa phương hàng năm tiếp tục duy trì. Xã Nghĩa An trên 85% người dân làm nghề biển, Lễ hội cầu ngư cầu cho mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoan, bà con vươn khơi bám  biển và bảo vệ chủ quyền tổ quốc."

Hiện nay, toàn xã Nghĩa An có tổng số tàu thuyền hiện  844 chiếc với 423.503CV (giảm so với cùng kỳ năm 2022 là 03 tàu). Tổng sản lượng khai thác thủy sản trong năm 2022 đạt 56.700 tấn đạt 100% kế hoạch. Trong năm 2024 này, xã Nghĩa An đề ra chỉ tiêu đánh bắt 57.500 tấn thủy sản.

Lễ hội Cầu Ngư lưu giữ trong mình tín ngưỡng dân gian, phong tục tập quán cùng mối quan hệ mật thiết với tín ngưỡng tâm linh. Tất cả những mối quan hệ ấy gắn bó chặt chẽ với nhau, hòa quyện vào nhau, có tác động qua lại ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình tồn tại cho đến ngày nay vẫn mang đậm những đặc trưng văn hóa biển. Lễ hội còn thể hiện ý thức "Uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ công đức của các vị tiền hiền, có công lập làng, dựng nghề và thông qua lễ hội thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các ngư dân làng chài ven biển. Một mùa xuân nữa lại về, mang theo niềm vui và hy vọng cho mọi sự hanh thông.

Văn Đạo










Lượt truy cập

Đang online : 3

Tổng truy cập : 7,408