Chính trị - Xã hội
Bánh thuẫn ngày Tết( 18/01/2024)
Cứ đến dịp cận Tết nghề làm bánh thuẫn truyền thống ở Quảng Ngãi lại rực lửa hồng. Bánh thuẫn là món quà quê của trẻ em và cũng là vật phẩm được người dân xứ Quảng đặt trang trọng trên bàn thờ ngày Tết. “Hồn quê” ẩn chứa trong những chiếc bánh mộc mạc cũng theo đi muôn nơi, góp niềm vui cho các gia đình không có điều kiện về quê ăn Tết.
Bánh thuẫn (hay còn gọi là bánh thửng) là món bánh được dùng để đãi khách trong những ngày Tết của người dân miền Trung nói chung và người dân xứ Quảng nói riêng. Vị bánh xốp mềm, ngọt bùi, thơm ngon nức mũi, gợi lên hương vị quê nhà đầm ấm, xoa dịu trái tim thổn thức của bao người con đi xa có dịp về quê ăn Tết.
Những ngày này, các lò bánh thuẫn truyền thống lại tất bật đỏ lửa ngày đêm cho kịp đơn hàng. Hơn 15 năm qua, lò bánh thuẫn của gia đình bà Lê Thị Kim Liên (60 tuổi), tổ 5, phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) vẫn luôn rực lửa hồng mỗi ngày. Thực khách ghé lò bánh luôn tấm tắc khen hương vị béo ngon mà thấm đượm hồn quê. Vị bánh xốp mềm, ngọt bùi, thơm ngon nức mũi, gợi lên hương vị quê nhà đầm ấm, xoa dịu trái tim thổn thức của bao người con đi xa có dịp về quê ăn Tết.
Bà Liên chia sẻ, bánh thuẫn được làm từ nguyên liệu đơn giản là bột huỳnh tinh, trứng và đường mà thơm ngon một cách mộc mạc. Riêng bánh thuẫn của bà được làm hoàn toàn từ trứng gà. Một khuôn bánh thường có từ 6 chiếc bánh nhỏ bên trong. Khuôn bánh thường làm bằng gang hoặc đồng.
Nghe qua nguyên liệu rồi cách làm bánh có vẻ rất đơn giản nhưng để cho ra những chiếc bánh thuẫn nở đúng độ, vàng đều, mền mịn nở bung ra như cánh hoa mai thì không phải dễ. Người làm bánh gần như phải ngồi canh lửa trong suốt thời gian làm bánh. Bởi chỉ cần lửa không đều thì bánh sẽ bên trắng, bên vàng; nóng quá thì bánh bị cháy đen, nhẹ thì nâu nâu, không lên được màu vàng bắt mắt.
Trứng cho vào với đường và đánh tan. Cho tiếp bột đã rây mịn vào và đánh cho đến khi hỗn hợp đó hòa quyện lại và dậy lên là được. Sau khi đánh xong, cho vào một ít vani để có hương thơm. Sau khi chuẩn bị nguyên liệu xong thì đến khâu nướng bánh. Khi lò than đã đỏ lửa, bắc trên lò một trã rang có vung đậy. Trong lòng đã đổ cát mịn chừng một nửa, rồi đặt các khuôn bánh thuẫn được thợ thiếc gò có hình thuẫn (bầu dục), nên người ta gọi là bánh thuẫn. Tất cả khuôn đều được thoa dầu phộng bên trong. Khi nồi cát nóng làm cho các khuôn nóng, thợ làm bánh bắt đầu dùng vá rót bột vào khuôn cho vừa đủ và đều khắp, xong đậy nắp vung lại. Trên nắp bỏ nhiều than lửa, chờ 5-7 phút sau, tháo nắp vung ra, thấy bánh nở cao gấp đôi khuôn và ngả vàng là bánh đã chín, lấy cây dài xâu vào bánh lấy ra là được. Sau khi lấy bánh ra, một khâu quan trọng nhất nữa là sấy bánh.
Theo bà Liên, đây là loại bánh đặc sản quê, lò bánh của bà làm thường xuyên nhưng nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Bình quân mỗi ngày cho ra lò khoảng 700 – 800 chiếc bánh cung ứng ra thị trường. Nghề này còn giúp giải quyết công ăn việc làm, mang lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người lao động nông thôn.
Bánh thuẫn ngày một bị cạnh tranh gay gắt với những loại bánh sang trọng hơn, ngon hơn nhưng mùi thơm đặc trưng, sự giản dị cùng ý nghĩa của chiếc bánh thuẫn vào dịp Tết trong tiềm thức của mỗi người con xứ Quảng sẽ còn mãi, khi nhiều người vẫn thích chiếc bánh bé nhỏ mà giản dị, ngọt ngào trong ký ức.
Như Đồng