Chính trị - Xã hội

CẢNH BÁO THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO RAO BÁN XE MÁY GIÁ RẺ QUA MẠNG( 24/09/2024)

Thời gian gần đây, tại một số địa phương xuất hiện thủ đoạn của các đối tượng đăng tải thông tin rao bán xe máy giá rẻ trên mạng xã hội để lừa đảo đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là thủ đoạn không mới, tuy nhiên vẫn có nhiều nạn nhân sập bẫy lừa đảo này.

Thủ đoạn của các đối tượng

Mới đây, Công an huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 03 bị can gồm: Nguyễn Tiến Thành (SN 2001), Nguyễn Mạnh Thư (SN 2001) cùng trú tại xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội và Lê Tuấn Anh (SN 1993, trú tại xã An Thọ, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 1, Điều 174 Bộ Luật hình sự. Bằng hình thức yêu cầu đặt cọc, trả phí… mua xe máy giá rẻ qua mạng, trong thời gian từ tháng 09/2023 đến khi bị bắt, các đối tượng đã gây ra hơn 1.000 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm đoạt số tiền khoảng 10 tỷ đồng của nhiều người dân Hà Tĩnh và trên địa bàn cả nước.

  Trường hợp của Nguyễn Tiến Thành, Nguyễn Mạnh Thư và Lê Tuấn Anh không phải là cá biệt. Thời gian qua, nhiều đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với các thủ đoạn là, tạo lập các Fanpage, tài khoản Zalo như “Chuyên Xe Máy Thanh Lý”, “Thanh lý xe máy”… để đăng tải liên tục hình ảnh, video về sản phẩm xe máy chất lượng nhưng giá bán chỉ bằng 1/3, 2/3 giá trị trường nhằm thu hút, tìm kiếm người dùng mạng xã hội “nhẹ dạ cả tin” để lừa đảo.

Tinh vi hơn, để tăng độ “uy tín”, các đối tượng còn làm giả giấy tờ của cơ quan nhà nước về việc thanh lý xe hay các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc xe, qua đó dễ dàng đánh vào tâm lý ham rẻ của người dùng mạng xã hội.

Nếu có người liên hệ mua xe, các đối tượng sẽ yêu cầu chụp căn cước công dân để làm giấy tờ xe và xin địa chỉ nhà để giao xe tận nơi trong thời gian 3 - 6 ngày tùy khoảng cách.

Trường hợp khách hàng có nhu cầu xem xe trực tiếp, các đối tượng cung cấp một địa chỉ giả để tạo uy tín. Khi nhận thấy nạn nhân đã tin tưởng, nhóm lừa đảo sẽ yêu cầu đặt cọc khoản tiền tương ứng 20% giá trị xe.

Không dừng lại ở đó, nhóm lừa đảo còn yêu cầu nạn nhân đóng thêm các khoản phí như phí vận chuyển, phí làm hồ sơ xe để “moi” thêm tiền. Sau khi nhận tiền, các đối tượng cắt đứt liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

Các đối tượng Nguyễn Tiến Thành, Nguyễn Mạnh Thư và Lê Tuấn Anh bị cơ quan điều tra bắt giữ

Đừng ham ‘rẻ’ để tránh sập bẫy lừa đảo

Hiện nay, việc mua bán hàng thanh lý, hàng đã qua sử dụng trên mạng xã hội được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn vì giúp tiết kiệm chi phí mà vẫn mua được sản phẩm ưng ý. Lợi dụng tâm lý ham của ‘rẻ’ này, nhiều đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Hệ quả là có không ít người nhận phải những món đồ kém chất lượng, không đúng như lời quảng cáo hoặc thậm chí mất tiền đặt cọc, phí vận chuyển… vì trót tin lời của các đối tượng lừa đảo.

“Với người tiêu dùng, mỗi khi quyết định mua hàng trên mạng, cần tìm hiểu kỹ về hàng hoá, dịch vụ được quảng cáo; cần có sự kiểm tra, đối chiếu khi thấy có sự chênh lệch quá lớn giữa giá bán và giá trị hàng hoá hoặc có sự khác biệt quá lớn giữa giá bán được giới thiệu so với giá bán trên thị trường của cùng loại hàng hoá. Đồng thời, thoả thuận trước với bên bán về phương thức thanh toán, chỉ thanh toán sau khi đã nhận hàng và kiểm tra hàng để tránh rủi ro bị lừa đảo, mất tiền đặt cọc, phí vận chuyển. Khi phát hiện trường hợp nghi vấn, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời”, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo.

Tiến Quân










Lượt truy cập

Đang online : 4

Tổng truy cập : 24,410